Hệ thống phanh của ô tô là một trong những bộ phận đóng vai trò vô cùng quan trọng của ô tô, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của chủ xe trong quá trình vận hành. Vậy nên việc bảo trì hệ thống phanh ô tô không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật bắt buộc mà còn là yếu tố thiết yếu để đảm bảo sự an toàn cho các phương tiện khác khi tham gia lưu thông trên đường.
Hệ thống phanh ô tô chủ yếu gồm bốn bộ phận chính: đĩa phanh, má phanh, dầu phanh và hệ thống thủy lực. Khi người lái đạp bàn đạp phanh, áp lực truyền qua dầu phanh sẽ tạo lực ép giúp giảm tốc độ bánh xe. Vì vậy, chất lượng và tình trạng của dầu phanh cùng các bộ phận khác trong hệ thống phanh đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả phanh của xe.
Thay dầu phanh là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong bảo dưỡng hệ thống phanh. Theo thời gian, dầu phanh có thể bị nhiễm bẩn và giảm chất lượng do hấp thụ nước, bụi và các tạp chất khác. Dầu phanh có tính chất hút ẩm (hygroscopic), nghĩa là nó có thể hấp thụ nước từ không khí. Khi nước thấm vào, nhiệt độ sôi của dầu phanh sẽ giảm, làm tăng nguy cơ xuất hiện "bong bóng hơi", gây mất hiệu quả phanh. Do đó, hầu hết các nhà sản xuất ô tô khuyến cáo nên thay dầu phanh sau mỗi 2 năm hoặc khoảng 24.000 km.
Bên cạnh việc thay dầu phanh, kiểm tra định kỳ tình trạng má phanh và đĩa phanh cũng vô cùng quan trọng. Sau một thời gian sử dụng thì má phanh sẽ bị mòn và cần được thay thế kịp thời. Nếu không, má phanh có thể mòn hẳn, gây hư hại cho đĩa phanh và dẫn đến chi phí sửa chữa cao hơn.
Một số dấu hiệu cần kiểm tra hệ thống phanh bao gồm tiếng kêu lạ khi phanh, chẳng hạn như tiếng rít hoặc cọt kẹt, cho thấy má phanh có thể đã mòn hoặc cần điều chỉnh. Ngoài ra, nếu người lái cảm thấy phải nhấn mạnh pedal phanh hơn để dừng xe, hoặc xe bị lệch khi phanh thì đây cũng là cảnh báo rằng hệ thống phanh đang gặp vấn đề.
Ngoài bảo dưỡng định kỳ, người lái nên áp dụng một số kỹ thuật lái xe an toàn để giảm áp lực lên hệ thống phanh. Duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước, tránh phanh gấp bằng cách giảm tốc độ qua hộp số và hạn chế chở tải quá nặng là những biện pháp giúp hệ thống phanh hoạt động ổn định hơn.
Đáng chú ý, bảo dưỡng phanh không chỉ tăng cường an toàn cho cả người lái và hành khách mà còn giúp tiết kiệm chi phí lâu dài. Một hệ thống phanh được chăm sóc tốt sẽ giảm nguy cơ tai nạn do phanh kém hiệu quả và hạn chế chi phí sửa chữa phát sinh từ việc hỏng hóc các bộ phận khác.
Bên cạnh đó thì trong những tình huống khẩn cấp như mất phanh khi đang lái xe, thì việc trang bị những kỹ năng để xử lý những tình huống khẩn cấp là điều vô cùng cần thiết. Người lái nên biết sử dụng phanh tay, giảm tốc bằng cách chuyển xuống thấp hoặc đưa xe vào lề đường để đảm bảo an toàn của bản thân và mọi người xung quanh.
Nguồn: tổng hợp