Trong bài viết dưới đây, Auto365 sẽ hướng dẫn chi tiết cách kiểm tra các loại cảm biến MAF một cách rõ ràng và dễ hiểu. Đây là kiến thức quan trọng giúp kỹ thuật viên phân biệt và xử lý chính xác các lỗi liên quan đến cảm biến lưu lượng khí nạp.
Cảm biến khối lượng khí nạp hay còn gọi là cảm biến MAF (Mass Air Flow Sensor) là một trong những cảm biến quan trọng bậc nhất trong hệ thống điều khiển động cơ. Thiết bị này thường được đặt tại vị trí giữa bộ lọc gió và đường ống nạp, có nhiệm vụ đo tốc độ và khối lượng không khí đi vào buồng đốt. Dữ liệu này sẽ được gửi về ECM để tính toán lượng nhiên liệu cần phun, đảm bảo tỷ lệ hòa khí tối ưu cho quá trình đốt cháy.
Khi cảm biến MAF gặp sự cố, động cơ dễ xuất hiện các hiện tượng như rung giật, nổ không đều, thậm chí không thể khởi động. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra một số mã lỗi như:
- P0100 - Lỗi mạch cảm biến lưu lượng khí nạp.
- P0101 - Lưu lượng khí nạp nằm ngoài ngưỡng cho phép.
- P0102 - Tín hiệu lưu lượng khí quá thấp.
- P0103 - Tín hiệu lưu lượng khí quá cao.
- P0104 - Tín hiệu lưu lượng khí không ổn định.
- P0171 - Hệ thống quá nghèo nhiên liệu.
- P0172 - Hệ thống quá giàu nhiên liệu.
Hiện nay, mỗi hãng xe đều có cách thiết kế và sử dụng cảm biến MAF khác nhau, với nhiều loại tín hiệu và cấu tạo riêng biệt. Do đó, để chẩn đoán và xử lý chính xác các lỗi liên quan, kỹ thuật viên cần có kiến thức vững vàng, khả năng phân biệt từng loại cảm biến cũng như nắm rõ phương pháp kiểm tra phù hợp.

Với loại cảm biến MAF sử dụng dây sấy (hot wire), tín hiệu đầu ra sẽ là điện áp tuyến tính -điện áp này tăng dần theo lưu lượng gió thổi qua sợi dây sấy bên trong cảm biến. Khi dòng khí đi qua càng mạnh, dây sấy nguội nhanh hơn, buộc cảm biến tăng dòng điện để giữ nhiệt độ ổn định, từ đó tạo ra mức điện áp tương ứng.
Do vậy, để kiểm tra hoạt động của loại cảm biến này, kỹ thuật viên có thể sử dụng đồng hồ đo điện đa năng (VOM) để đo điện áp tại chân tín hiệu của cảm biến trong lúc động cơ đang hoạt động. Việc theo dõi sự thay đổi điện áp khi tăng/giảm ga là một phương pháp hiệu quả để đánh giá tình trạng cảm biến.
Mạch điện trên xe thực tế:

Thông thường cảm biến MAF còn được tích hợp thêm cảm biến nhiệt độ khí nạp IAT nên trên sơ đồ sẽ thấy 5 dây, do vậy các kỹ thuật viên cần xác định chính xác các chân của cảm biến này để việc đo kiểm tránh bị nhầm lẫn.
Hình ảnh thực tế cảm biến MAF loại Hot wire:


Cảm biến MAF loại Hot Film hoạt động dựa trên nguyên lý phát tín hiệu dạng xung vuông, trong đó tần số xung tăng dần theo lưu lượng không khí đi qua cảm biến. Khi lượng gió nạp càng lớn, tần số xung phát ra càng cao, đây là cơ sở để ECM tính toán lượng nhiên liệu cần phun cho phù hợp.
Vì tín hiệu đầu ra là xung tần số, nên việc kiểm tra loại cảm biến này không thể sử dụng đồng hồ VOM thông thường. Để xác định cảm biến còn hoạt động hay không, cần sử dụng thiết bị đo xung chuyên dụng, như máy hiện sóng hoặc máy chẩn đoán có khả năng đọc tín hiệu dạng sóng.
Mạch điện trên xe thực tế:

Cảm biến MAF loại Hot Film thường được tích hợp thêm cảm biến nhiệt độ khí nạp (IAT) ngay bên trong cụm. Hai cảm biến này có thể chia sẻ chung chân mass, vì vậy cụm cảm biến thường có 4 dây tín hiệu, bao gồm: nguồn, mass, tín hiệu MAF (xung), và tín hiệu IAT.
Hình ảnh thực tế cảm biến MAF loại Hot film:

Hy vọng bạn đã bỏ túi thêm cho mình một kiến thức hữu ích về cách kiểm tra các loại cảm biến MAF. Đừng quên theo dõi website của Auto365 để cập nhật thêm nhiều bài viết hay và chuyên sâu về kiến thức ô tô mới nhất nhé.
Nguồn: VATC