Theo như thông tin mới nhất, người vi phạm giao thông sẽ không được cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe nếu như chưa thực hiện xong yêu cầu nộp phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua năm 2024, trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm, chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và người điều khiển phương tiện được xác định như sau:
Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhưng chưa hoàn thành các yêu cầu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ không được thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện vi phạm.
Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về việc cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe. Theo đó, người sở hữu giấy phép lái xe có thể được đổi hoặc cấp lại trong các trường hợp sau: bị mất; bị hỏng, không thể tiếp tục sử dụng; trước thời hạn ghi trên giấy phép; thay đổi thông tin cá nhân trên giấy phép; giấy phép lái xe nước ngoài còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp; giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc khi người được cấp không còn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Việc cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe sẽ chưa được thực hiện đối với những cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhưng chưa hoàn thành các yêu cầu xử lý vi phạm hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra.
Như vậy, đối với các phương tiện giao thông mà người vi phạm hoặc chủ phương tiện chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ xử lý vi phạm hành chính, thủ tục đăng ký, đăng kiểm sẽ chưa được giải quyết. Tương tự, người vi phạm cũng chưa thể được cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe nếu chưa hoàn tất việc chấp hành xử lý vi phạm hành chính.
Người dân có thể tra cứu quyết định xử phạt và thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn. Đồng thời, có thể thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua năm 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Nếu quyết định xử phạt có thời hạn thi hành dài hơn 10 ngày, thì phải thực hiện theo thời hạn đó.
Trong trường hợp cá nhân hoặc tổ chức bị xử phạt có khiếu nại hoặc khởi kiện về quyết định xử phạt, họ vẫn phải chấp hành quyết định này, trừ trường hợp thuộc khoản 3 Điều 15 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc giải quyết khiếu nại, khởi kiện sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Người có thẩm quyền xử phạt sau khi ban hành quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành của cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời, họ phải thông báo kết quả thực hiện quyết định xử phạt cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan tư pháp địa phương.
Nguồn: Tổng hợp