Ford vừa trình làng Puma Gen-E, mẫu SUV điện nhỏ gọn nhằm cạnh tranh với các đối thủ như Jeep Avenger, Fiat 600e và Peugeot E-2008 tại thị trường châu Âu.
Đây là một tân binh đáng chú ý trong phân khúc SUV cỡ nhỏ chạy điện. Puma Gen-E, phiên bản điện hoàn toàn của dòng Puma, được định vị là lựa chọn thay thế cho mẫu Puma mild-hybrid vốn rất được ưa chuộng. Với sức mạnh ngang ngửa bản ST, phạm vi di chuyển lên đến 376 km và khoang nội thất rộng rãi hơn, Puma Gen-E hứa hẹn sẽ tạo nên sự khác biệt trong cuộc đua giành thị phần.
Dựa trên nền tảng của Fiesta, Ford Puma Gen-E được trang bị môtơ điện ở trục trước, cho công suất 166 mã lực và mô-men xoắn 290 Nm. So với Puma ST hybrid, mẫu xe này chỉ thua 2 mã lực nhưng lại vượt trội với 42 Nm mô-men xoắn. Tuy nhiên, với gói pin 43 kWh, trọng lượng của Puma Gen-E đạt 1.553 kg, nặng hơn đáng kể so với phiên bản hybrid.
Sự gia tăng trọng lượng của Ford Puma Gen-E được phản ánh qua các thông số kỹ thuật: xe mất 8 giây để tăng tốc từ 0-100 km/h, chậm hơn 0,6 giây so với phiên bản ST. Tốc độ tối đa được giới hạn ở mức 160 km/h, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển trong thành phố. Dù không thể cạnh tranh với các mẫu hatchback hiệu suất cao, nhưng đối với một chiếc crossover điện trong phân khúc, các chỉ số của Puma Gen-E vẫn được coi là đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng thông thường.
Về phạm vi hoạt động, Puma Gen-E có thể di chuyển từ 347 đến 376 km, tùy thuộc vào từng phiên bản. Mặc dù có đôi chút thua kém các đối thủ như Jeep Avenger hay Peugeot E-2008 của Stellantis với dung lượng pin từ 50-54 kWh, Puma Gen-E lại ghi điểm với hiệu suất tiêu thụ năng lượng xuất sắc, đạt mức 13,1 kWh/100 km theo tiêu chuẩn WLTP.
Puma Gen-E hỗ trợ sạc nhanh DC với công suất 100kW, cho phép sạc từ 10% lên 80% chỉ trong 23 phút, phần nào khắc phục phạm vi hoạt động ở mức trung bình. Cổng sạc được bố trí tại vị trí nắp nhiên liệu quen thuộc của phiên bản động cơ đốt trong.
Về thiết kế, Puma Gen-E mang hơi hướng từ Mustang Mach-E với những đường nét bo tròn, lưới tản nhiệt kín và khe hút gió tối giản. Điểm nhấn còn nằm ở bộ vành hợp kim độc đáo, cánh gió sau được tinh chỉnh nhẹ, cùng việc loại bỏ hoàn toàn ống xả.
Bên trong, không gian lưu trữ được cải thiện nhờ môtơ điện nhỏ gọn. Khoang hành lý phía sau rộng rãi với dung tích 574 lít, đi kèm một khoang chứa nhỏ 43 lít phía trước, rất tiện lợi để cất giữ dây sạc hoặc các vật dụng nhỏ gọn.
Khoang lái kỹ thuật số của Puma Gen-E giữ nguyên thiết kế từ phiên bản thông thường, bao gồm màn hình đồng hồ kỹ thuật số 12,8 inch và màn hình giải trí cảm ứng 12 inch. Điểm khác biệt là bảng điều khiển trung tâm đã được nâng cấp với ngăn chứa đồ mới, tận dụng không gian vốn dành cho hộp số.
Ford hiện sản xuất mẫu xe điện Puma Gen-E tại nhà máy Ford Otosan ở Craiova, Romania, với hệ thống truyền động điện được nhập khẩu từ Halewood, Anh. Mẫu xe này đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng và dự kiến sẽ được giao đến tay khách hàng vào mùa xuân năm 2025.
Puma Gen-E được giới thiệu tại thị trường châu Âu với mức giá khởi điểm 36.900 euro (tương đương 38.800 USD) tại Đức, trở thành mẫu xe điện giá hợp lý nhất của Ford trong khu vực. Để so sánh, phiên bản động cơ xăng của Puma có giá khởi điểm 28.900 euro (30.400 USD), trong khi bản hybrid Puma ST có giá 40.600 euro (42.700 USD). Với mức giá này, Puma Gen-E là lựa chọn hấp dẫn cho những ai đang muốn chuyển sang xe điện mà chưa sẵn sàng đầu tư vào các dòng cao cấp như Mustang Mach-E hay Capri EV.
Các đối thủ chính của Ford Puma Gen-E trong phân khúc bao gồm Jeep Avenger, Fiat 600e, Alfa Romeo Junior, Peugeot E-2008 và Opel Mokka Electric từ tập đoàn Stellantis, cùng với Renault 4 E-Tech và Mini Aceman.
Nguồn: tổng hợp