Theo như thông tin mới nhất thì tại khu vực Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung sẽ xuất hiện những cơn mưa trái mùa, chính vì thế cũng không tránh khỏi tình trạng các chủ xe lái xe trong tình trạng ngập lụt.
Tuy nhiên việc lái xe trong đường ngập lụt là điều mà các chuyên gia an toàn trên thế giới không khuyến cáo vì dễ gây tai nạn cho chủ xe và cho cả những phương tiện xung quanh. Nhưng nếu tình huống bắt buộc phải di chuyển qua những đoạn đường này thì tài xế nên lưu ý những điều dưới đây để tránh những sai lầm mất an toàn.
Khi xe đi qua vùng ngập sâu, nước rất dễ tràn vào họng gió hoặc ống xả, dẫn đến tình trạng thủy kích và gây hỏng hóc cho động cơ. Chính vì thế mà tài xế nên ưu tiên chọn các tuyến đường ít ngập để di chuyển an toàn hơn.
Thông thường thì ở những khu vực gần giữa mặt đường là vị trí cao nhất, nơi nước có xu hướng chảy sang hai bên và xuống hệ thống thoát nước. Do đó mà việc điều khiển xe gần tim đường sẽ giúp hạn chế nguy cơ ngập nước.

Tuy nhiên thì không phải lúc nào tim đường cũng là nơi cao nhất, bởi một số đoạn có thể bị lồi lõm hoặc hư hại mặt đường khiến nước ứ đọng. Trong trường hợp này, người lái cần quan sát kỹ lưỡng xe đi phía trước để nhận diện những khu vực ngập sâu và chủ động lựa chọn lối đi an toàn hơn.
Khi ôtô di chuyển với tốc độ cao qua đoạn đường bị ngập, sẽ tạo ra các đợt sóng nước lan rộng sang hai bên. Những con sóng này không chỉ làm nước bắn vào các phương tiện xung quanh mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn – có thể đẩy ngã người đi xe máy, gây tai nạn và thậm chí khiến cả người lẫn xe bị nước cuốn trôi.

Chính vì thế mà khi đi qua những đoạn đường này tài xế cần di chuyển với tốc độ chậm và đều nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng sóng nước. Khi di chuyển chậm thì cần chuyển đổi về số thấp để có thể giữ tua máy tăng cao, giúp hạn chế nước thâm nhập vào ống xả. Không nên dừng hẳn ở những đoạn lụt cao mà nên giữ xe di chuyển với tốc độ chậm và nối đuôi xe ở phía trước.
Khi hai xe ôtô cùng lúc di chuyển qua đoạn đường ngập và hẹp, các đợt sóng nước do mỗi xe tạo ra có thể dội vào nhau, khiến mực nước dao động mạnh hơn. Điều này làm tăng nguy cơ nước xâm nhập vào họng gió, dẫn đến thủy kích và hư hỏng động cơ.
Trong tình huống này, tài xế nên chủ động nhường đường, lần lượt cho từng xe đi qua khu vực ngập nước. Nếu không thể dừng chờ, cần điều khiển xe chậm rãi, giữ khoảng cách an toàn để hạn chế tối đa tác động từ sóng nước.
Khi cụm phanh bị ngấm nước, khả năng phanh sẽ bị suy giảm đáng kể. Vì vậy, sau khi xe vượt qua vùng ngập, tài xế nên đạp phanh nhiều lần liên tục để tạo ra ma sát giữa má phanh và đĩa phanh, giúp bộ phận này nhanh chóng khô trở lại và đảm bảo hiệu quả phanh.

Nếu xe bị chết máy tại khu vực ngập sâu, nước tràn qua cả phần đầu xe, tuyệt đối không cố khởi động lại động cơ. Việc tốt nhất lúc này là rời khỏi xe, tìm nơi an toàn và liên hệ với lực lượng chức năng, đội cứu hộ hoặc công ty bảo hiểm để được hỗ trợ, nhằm tránh gây thêm hư hại nghiêm trọng do thủy kích.
Nguồn: Tổng hợp