Theo thông tin mới nhất, hãng xe điện Việt Vinfast sẽ đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa cho xe thuần điện là 84% vào năm 2026, so với mức hiện nay là 60%.
Mục tiêu trên được ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc nhà máy Vinfast Việt Nam đã công bố tại Tọa đàm về nội địa hóa ô tô điện Vinfast tại nhà máy của hãng xe Hải Phòng vào ngày 12/12. Theo đó thì trong hai năm tới, tỷ lệ này sẽ tăng hơn 20% so với hiện nay.

Ông còn cho biết thêm, tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe điện Vinfast là hơn 60%, trong đó có thân vỏ, động cơ, trần xe và giảm xóc. Nếu như so với các mẫu xe động cơ đốt trong được lắp ráp tại Việt Nam thì tỷ lệ này khá cao, bởi mức cao nhất của xe xăng và dầu ở vào khoảng 40% nội địa hóa.
Ngoài ra thì Vinfast còn cho biết thêm phương pháp tỷ lệ nội địa hóa của hãng cũng tương đồng với cách tính của Bộ Công thương và các hãng xe khác tại Việt Nam.
Để đạt mục tiêu nội địa hóa 84% trong hai năm tới, hãng xe Việt dự kiến tăng cường sử dụng linh kiện sản xuất trong nước, bao gồm ghế ngồi, dây điện, đèn, vành xe, hệ thống phanh và lái, kính, gương, cùng các chi tiết nội và ngoại thất. Đặc biệt, vào năm 2026, hãng đặt kế hoạch tự sản xuất cell pin, thay vì chỉ đóng gói pin như hiện nay tại hai nhà máy ở Hải Phòng và Hà Tĩnh, nơi các cell pin vẫn phải nhập khẩu từ các nhà cung cấp quốc tế.
Việc sản xuất cell pin đòi hỏi doanh nghiệp phải làm chủ nguồn nguyên liệu như than chì, đất hiếm, sở hữu công nghệ phát triển pin tiên tiến và đảm bảo đầu ra ổn định. Hiện tại, Trung Quốc đang dẫn đầu trong ngành công nghiệp pin toàn cầu, nhờ khởi đầu sớm, sở hữu nhiều công nghệ hiện đại và có trữ lượng lớn đất hiếm cùng than chì.

Bộ pin hiện là một trong những thành phần có giá trị cao nhất trên xe điện. Ví dụ, mẫu VinFast VF 3 có giá 240 triệu đồng nếu thuê pin và 322 triệu đồng nếu mua pin, nghĩa là chi phí pin khoảng 80 triệu đồng, chiếm khoảng 25% giá xe. Khi tính cả chi phí bán hàng và thuế, pin chiếm tới 30% giá thành của một chiếc VF 3. Nếu VinFast có thể tự sản xuất pin, tỷ lệ nội địa hóa sẽ được nâng lên đáng kể.
Xe điện, với số lượng linh kiện ít hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong, tạo điều kiện thuận lợi để các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, trong khi hệ truyền động của xe động cơ đốt trong bao gồm khoảng 2.000 linh kiện, xe thuần điện chỉ cần khoảng 20. Ngoài ra, công nghệ mô tơ điện cũng đơn giản hơn so với động cơ đốt trong, giúp các startup và các nhà sản xuất lâu năm có khả năng cạnh tranh ngang bằng trong việc sản xuất linh kiện này.
VinFast chưa công bố chi tiết lộ trình hay từng bước cụ thể để nội địa hóa các linh kiện, cũng như thông tin về các nhà cung ứng hoặc số lượng linh kiện dự kiến. Tuy nhiên, hãng cho biết sẽ thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc hợp tác với các đối tác sẵn có, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư. Đồng thời, VinFast cam kết đảm bảo đầu ra ổn định cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của mình. Hiện tại, tổ hợp nhà máy của VinFast đã dành hơn 30% diện tích khuôn viên để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, nhằm phục vụ chiến lược này.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Phụ trợ Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp thuần Việt khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các hãng ôtô là chi phí đầu tư quá cao so với giá trị đơn hàng nhận được. Nhiều công ty, dù muốn khẳng định năng lực, vẫn chấp nhận đầu tư, sau đó phải tìm kiếm khách hàng từ các lĩnh vực khác để bù đắp khoản lỗ từ mảng sản xuất linh kiện ôtô.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, sau hơn 30 năm kể từ khi chiếc ôtô con đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam vào năm 1992, hiện cả nước chỉ có 76 doanh nghiệp nội địa tham gia cung cấp linh kiện và phụ tùng cho ngành ôtô. Tính cả các công ty nước ngoài, tổng số doanh nghiệp sản xuất linh kiện tại Việt Nam vẫn chưa đạt 400, trong khi con số này ở Indonesia là khoảng 1.500 và Thái Lan lên đến 2.200. Với số lượng doanh nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 20%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 40% đặt ra vào năm 2020.
Nguồn: tổng hợp