Ngày 17/3, BYD chính thức ra mắt trạm sạc siêu nhanh 10C dành cho các mẫu xe điện sử dụng nền tảng 1.000 V.
Trước đây, hệ thống sạc DC của BYD thường bị đánh giá là chậm hơn so với các đối thủ. Dù pin Blade LFP của hãng có độ an toàn cao, nhưng thời gian sạc lâu hơn so với pin NMC của các nhà sản xuất khác. Nhận thức được điều này, BYD – nhà sản xuất xe năng lượng mới (NEV) lớn nhất thế giới – đã cải tiến công nghệ, cho ra đời các mẫu xe đầu tiên ứng dụng nền tảng Super e-Platform với hệ thống điện cao áp 1.000 V.

Đồng hành cùng các dòng xe mới, BYD cũng giới thiệu bộ sạc 1.000 kW mang tên "Megawatt Flash Charger", một phần quan trọng trong nền tảng Super e-Platform.
Phát biểu tại sự kiện, CEO kiêm chủ tịch BYD, ông Vương Truyền Phúc (Wang Chuanfu), cho biết hãng dự kiến triển khai hơn 4.000 trạm sạc MW trên khắp Trung Quốc.
Hệ thống sạc của BYD có khả năng cung cấp đủ năng lượng để xe điện di chuyển 400km chỉ sau 5 phút sạc. Trong quá trình thử nghiệm, trạm sạc này đạt công suất 1 MW trong vòng 10 giây khi sạc cho hai mẫu Han L EV và Tang L EV. Thời gian để sạc từ 7% lên 50% chỉ mất 4,5 phút. Những mẫu xe được thử nghiệm đều sử dụng loại pin mới nhất của BYD, tích hợp mô-đun nguồn silicon-carbide 1.500 V.

Megawatt Flash Charger của BYD hiện là bộ sạc dành cho xe con mạnh nhất trong ngành công nghiệp ô tô điện. Dù các đối thủ cũng đạt hiệu suất đáng kể, nhưng vẫn chưa thể sánh kịp. Chẳng hạn, Tesla V4 chỉ đạt công suất 500 kW, Li Auto 5C là 520kW, Nio Power đạt 640kW, trong khi Xpeng S5 đạt mức 800 kW.
Việc rút ngắn thời gian sạc là một trong những thách thức lớn của ngành xe điện, nhằm giúp quá trình nạp năng lượng trở nên tương đương với thời gian đổ nhiên liệu của xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, khác với xe chạy xăng – nơi dòng nhiên liệu chảy nhanh giúp bình đầy nhanh chóng – sạc nhanh hơn không đồng nghĩa với việc xe điện có thể duy trì hiệu suất pin lâu dài. Công suất sạc càng cao, nguy cơ ảnh hưởng đến tuổi thọ pin càng lớn. Do đó, bên cạnh việc nâng cấp công suất sạc, các hãng xe cũng phải tập trung cải tiến chất lượng pin để có thể tiếp nhận dòng điện lớn trong thời gian ngắn mà không bị hao mòn nhanh chóng.
Những mẫu xe điện BYD trang bị công nghệ tiên tiến nhất có thể tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ trong 2 giây, với tốc độ tối đa vượt ngưỡng 300 km/h (trong đó, Han L EV đạt tốc độ tối đa 305 km/h).
Tại thị trường Trung Quốc, BYD Han LEV và BYD Tang LE V đã chính thức mở bán dưới dạng đặt trước. Han LE V thuộc phân khúc sedan cỡ E, sở hữu kích thước dài 5.050 mm, rộng 1.960 mm, cao 1.505 mm và chiều dài cơ sở đạt 2.970 mm. Mẫu xe này có giá khởi điểm từ 270.000 nhân dân tệ (khoảng 37.300 USD).
Trong khi đó, BYD Tang LE V là một mẫu SUV cỡ lớn với cấu hình ghế ngồi 2+3+2, kích thước tổng thể dài 5.040 mm, rộng 1.996 mm, cao 1.760 mm và trục cơ sở 2.950 mm. Giá bán khởi điểm của mẫu xe này từ 280.000 nhân dân tệ (tương đương 38.690 USD).
Nguồn: Tổng hợp