Trong tháng 8, nhờ vào doanh số vượt trội của Xforce và Xpander, Mitsubishi lần đầu tiên vượt qua Hyundai để vươn lên vị trí thứ hai trên thị trường, chỉ đứng sau Toyota.
Trong nhiều năm qua thì thị phần xe con tại Việt Nam luôn là cuộc đua khốc liệt giữa Hyundai và Toyota, hai đại diện tiêu biểu cho dòng xe Hàn và Nhật. Hiếm khi có hãng nào có thể chen chân vào cuộc cạnh tranh này.
Tháng 8 chứng kiến Mitsubishi lần đầu tiên tiến vào cuộc chiến của nhóm dẫn đầu. Với khoảng cách chỉ nhỉnh hơn Hyundai 170 xe, Mitsubishi đã vượt qua đối thủ để trở thành thương hiệu có doanh số bán xe con cao thứ hai trên thị trường.

Sự thành công trong doanh số của Mitsubishi trong tháng 8 chủ yếu đến từ hai mẫu xe chủ lực là CUV cỡ B Xforce và MPV cỡ nhỏ Xpander, cả hai đều dẫn đầu trong phân khúc của mình. Mitsubishi Xforce đã bán được 2.504 xe, không chỉ chiếm vị trí số một trong phân khúc cỡ B mà còn dẫn đầu toàn thị trường ô tô Việt Nam trong tháng này. Tính từ khi ra mắt vào tháng 3, Xforce đã trở thành mẫu xe bán chạy thứ ba sau Ford Ranger và Mitsubishi Xpander.
Đối với Xpander, mẫu MPV 7 chỗ nhập khẩu từ Indonesia này vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong phân khúc mà chưa có đối thủ nào có thể cạnh tranh. Hai "nhân tố X" này đóng góp khoảng 85% vào tổng doanh số của Mitsubishi. Trước đây, hãng lo ngại việc quá phụ thuộc vào chỉ một mẫu xe như Xpander có thể khiến doanh số bị ảnh hưởng khi thị trường thay đổi hoặc xe bước sang vòng đời mới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Xforce đã giúp giảm bớt áp lực và mang lại sự ổn định hơn cho Mitsubishi.
Dù đã mất vị trí á quân trong tháng 8 nhưng Hyundai vẫn là thương hiệu có doanh số tiệm cận nhất với Toyota sau 8 tháng đầu năm. Sự sụt giảm doanh số của hãng xe Hàn Quốc có phần do một số mẫu chủ lực như Santafe, Tucson, i10 đang chờ bản nâng cấp mới, cùng với nhu cầu thị trường thay đổi. Riêng mẫu Creta, sự xuất hiện của Xforce và Toyota Yaris Cross đã làm giảm đi sự thống trị của mẫu xe này trong phân khúc lắp ráp trong nước, so với giai đoạn trước năm 2023.
Tuy nhiên, việc được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ từ tháng 9 đến tháng 11, kết hợp với lợi thế tất cả các mẫu xe con đều lắp ráp trong nước, mang lại cho Hyundai cơ hội lớn để tăng tốc doanh số trong những tháng còn lại của năm 2024. Ngược lại, Mitsubishi với số lượng sản phẩm hạn chế hơn và phần lớn là xe nhập khẩu, sẽ gặp nhiều thách thức để có thể vượt qua Hyundai trong cuộc đua doanh số cả năm.
Sự cạnh tranh về thứ hạng ở các vị trí phía dưới không ảnh hưởng đến Toyota. Hãng xe Nhật vẫn vững vàng ở vị trí số một tại thị trường Việt Nam nhờ danh mục sản phẩm phong phú. Mặc dù không có mẫu xe nào chiếm vị trí đầu bảng trong các phân khúc chủ chốt như sedan cỡ B, CUV cỡ B, hatchback cỡ A hay MPV cỡ nhỏ, nhưng sự đóng góp đồng đều từ nhiều dòng xe đã giúp Toyota duy trì vị thế dẫn đầu của mình.

Năm 2024 có thể sẽ tiếp tục là một năm thành công của Ford khi các dòng xe chủ lực như Ranger, Territory và Everest vẫn duy trì doanh số ổn định. Đặc biệt, mẫu bán tải Ford Ranger với doanh số lũy kế đạt 10.293 xe, đã dẫn đầu thị trường, vượt qua Mitsubishi Xpander chỉ với chênh lệch nhỏ là 25 xe. Trong 8 tháng đầu năm, Ford chỉ xếp sau Toyota và Hyundai về tổng doanh số, giành vị trí thứ 3 - vị trí mà Kia thường nắm giữ.
Với nhiều mẫu xe quan trọng của Kia như Sonet, Seltos và Carnival đang trong giai đoạn chuyển đổi hoặc nâng cấp vòng đời, doanh số của Kia đã giảm mạnh. So với cùng kỳ năm 2023, lượng bán ra của Kia trong năm 2024 đã giảm đến 22%, mức giảm lớn nhất trong thị trường xe con.
Ngay sau Kia là Mazda, với doanh số giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù gặp khó khăn chung, Mazda CX-5 lại là điểm sáng khi bán được hơn 7.300 xe, chiếm lĩnh phân khúc CUV cỡ C và đóng góp gần 42% tổng doanh số của hãng.
Bên cạnh Mitsubishi (tăng trưởng 20%), Honda cũng là một trong những thương hiệu hiếm hoi đạt mức tăng trưởng doanh số 12% so với cùng kỳ năm 2023, mặc dù thị trường ô tô vẫn còn nhiều thách thức. Sự xuất hiện của CR-V thế hệ mới từ tháng 10/2023 là động lực giúp doanh số của Honda khởi sắc trở lại.
Ba vị trí cuối trong bảng xếp hạng doanh số vẫn thuộc về các cái tên quen thuộc: Peugeot, Suzuki và Isuzu. Việc nhập khẩu hoàn toàn và danh mục sản phẩm ít lựa chọn là những rào cản khiến các hãng này khó mở rộng thị phần. Đặc biệt, Peugeot với định vị cao cấp từ nhà phân phối Trường Hải, có giá bán cao hơn so với các đối thủ Nhật, Hàn trong cùng phân khúc, dẫn đến doanh số khó đạt được sự bứt phá.