Ít nhất trong tương lai gần, VinFast VF 3 sẽ là đối thủ trực tiếp với Wuling HongGuang MiniEV ngay tại thị trường trong nước. Wuling HongGuang MiniEV hiện tại thì cũng đã công bố giá bán, bắt đầu nhận đặt hàng và chắc là anh em mua cũng sẽ sớm nhận xe. Trong khi đó, VF3 chỉ mới là concept, nhưng cứ thử so sánh dựa vào những thông tin đang có xem chúng ta nên lựa chọn thế nào nếu phân vân giữa 2 mẫu xe này.
Wuling HongGuang MiniEV là mẫu xe ô tô điện cỡ nhỏ với 4 chỗ ngồi, được ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2020 và nhanh chóng trở thành chiếc xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc với doanh số đến tháng 1/2022 đạt hơn 500.000 chiếc. Trong năm 2022, Wuling HongGuang MiniEV là chiếc xe điện bán chạy thứ 3 thế giới, xếp sau Tesla Model 3 và Model Y.
Yếu tố giúp thúc đẩy doanh số khỏng lồ này của Wuling HongGuang MiniEV phần nhiều đến từ giá bán của mẫu xe này. Tại thị trường quê nhà, cũng là thị trường chính của xe, Wuling HongGuang MiniEV được bán với giá chỉ khoảng 4.100 USD (hơn 96 triệu). Sự thành công của Wuling HongGuang MiniEV là điều không thể chối cãi tại thị trường quê nhà, nhưng liệu nó có làm được điều tương tự tại Việt Nam, khi mà nhà sản xuất trong nước bắt đầu đã có động thái để chiếm lĩnh thị phần?
Về mặt thiết kế, cảm nhận chủ quan của mình đánh giá cao VinFast VF3 hơn so với Wuling HongGuang MiniEV về tổng thể. Nếu như đại diện đến từ Trung Quốc đi theo style của 1 chiếc kei car (thuật ngữ dành cho những chiếc xe với kích thước rất nhỏ vốn phổ biến ở thị trường Nhật Bản), với thân hình nhỏ nhắn, dễ thương,…thì VF3 lại thể hiện dáng vóc của 1 chiếc mini SUV.
Mường tượng, nó giống giống với 1 chiếc xe Jeep, hoặc gần hơn là 1 chiếc Susuki Jimny phiên bản 3 cửa. Với bộ mâm có kích thước 16-17 inch (theo thông tin rò rỉ), VF3 tỏ ra cứng cáp hơn hẳn dù hiện tại mọi thứ chỉ dừng lại ở mức bản vẽ trên giấy. Tuy nhiên, VinFast thường có những chiếc xe thương mại sở hữu ngoại hình không mang nhiều khác biệt so với concept. Vì vậy, có thể kỳ vọng điều đó cũng đúng với VF3.
VF 3 được thiết kế tối giản, tuy nhỏ nhưng được cho là đủ không gian để cung cấp cho 5 người ngồi bên trong, Chắc chắn rằng, độ thoải mái của người ngồi hàng ghế sau là điều không thể đòi hỏi, nhưng trong tình huống chở trẻ em, nó rõ ràng cần thiết. Có thể trên xe chỉ có 1 màn hình hiển thị ngay sau vô lăng, vừa là công tơ mét điện tử, vừa là màn hình hiển thị thông tin giải trí. Thật ra, không quá khó hiểu khi VinFast sẽ làm cho nội thất xe tối giản nhất có thể, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm pin.
Trong khi đó, Wuling HongGuang MiniEV có không gian nội thất 4 chỗ ngồi cùng các trang bị tiện nghi tiêu chuẩn như: cụm đồng hồ hiển thị thông số dạng LCD TFT 7 inch, điều hòa 2 chiều, kết nối bluetooth/radio, trợ lực lái điện, cảm biến đỗ xe phía sau, camera lùi (đối với phiên bản LV2). Nếu so sánh về tổng thể, mình thấy nội thất của VF3 trông hiện đại, cứng cáp hơn so với phong cách dễ thương như xe của Wuling.
Ngoài ra, một lợi điểm khác của VF3 đó là gầm cao, và nhờ vậy cho nên tầm nhìn sẽ thoáng đãng hơn, đây cũng là điểm ưu thích của nhiều anh em lựa chọn dòng xe SUV.
Tất cả các phiên bản của Wuling HongGuang MiniEV sử dụng một động cơ điện, dẫn động cầu sau, cho công suất tối đa 26,82 mã lực, mô-men xoắn cực đại 85 Nm, tốc độ tối đa của xe là 100 km/h, được cho là phù hợp di chuyển trong đô thị.
Điều đáng bận tâm đó là động cơ của xe được đặt ở giữa trục bánh sau lộ ra ngoài, không được che chắn bởi lớp bảo vệ bổ sung nào. Trong vận hành nếu chẳng may đi qua địa hình xấu bị cạ gầm, rõ ràng là có những rủi ro nhất định với động cơ - một trong những thành phần quan trọng nhất trên xe.
Đối với VinFast VF3, hiện không nhiều thông tin về khung gầm được hé lộ. Mình hy vọng VinFast tiếp tục trang bị hệ dẫn động giống như những gì họ đã làm với mẫu xe rẻ nhất hiện tại là VF5 Plus. Cụ thể thì xe này được trang bị dẫn động cầu trước, động cơ điện được lắp ngay ở khoang trước. Cấu trúc này rõ ràng đem lại sự yên tâm nhiều hơn.
Wuling HongGuang LV2 phiên bản có pin lớn nhất (13,4 kWh) được cho là giúp xe đi được 170 km sau mỗi lần sạc. Còn phiên bản pin nhỏ hơn (9,6 kWh) thì đi được 120 km sau mỗi lần sạc. Dù vậy, việc công bố phạm vi theo chuẩn CLTC của Trung Quốc cũng tạo ra lợi thế về mặt giấy tờ cho Wuling HongGuang.
Trên thực tế, nếu so với các chuẩn của châu Âu như WLTP hay EPA của Mỹ, số liệu từ CLTC bao giờ cũng cao hơn đáng kể. Chưa kể, một chiếc xe điện khi vận hành thực tế rất khó để đạt được con số mà nhà sản xuất công bố đựa vào các quy trình thử nghiệm nêu trên.
Một tài liệu rò rỉ khi VF3 vừa được giới thiệu cho thấy mẫu xe này có thể đạt phạm vi 237 km (theo chuẩn châu Âu) hoặc 285 km (theo chuẩn Trung Quốc). Nếu con số này chính xác thì có thể pin được trang bị trên VF3 sẽ lớn hơn, từ đó cho phạm vi hoạt động tốt hơn.
Về các tính năng hỗ trợ người lái cũng như an toàn, Wuling HongGuang MiniEV có cảm biến đỗ xe phía sau, camera lùi (LV2), hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, giám sát áp suất lốp, khóa cửa tự động khi xe chạy. Túi khí ghế lái là trang bị chỉ có trên phiên bản LV2, phiên bản LV1 sẽ thiếu vắng hệ thống túi khí.
Mặc dù trang bị an toàn trên VF3 tới giờ vẫn là dấu chấm hỏi, nhưng thật sự mình kỳ vọng nó có nhiều hơn những gì mà đại diện từ Trung Quốc đang có. Ngoài ra, một chiếc xe với kích thước lớn hơn chắc chắn sẽ có độ an toàn tốt hơn nếu chẳng may xảy ra va chạm trên đường.
Xe điện muốn tồn tại cần gắn liền với cơ sở hạ tầng, mà cụ thể đó là trạm sạc. Đối với Wuling HongGuang MiniEV, không có giải pháp sạc nào khác ngoài nhà ở. Những ai ở chung cư thì gần như là không có giải pháp sạc nào.
Ngược lại, khi được bán ra thị trường, VF3 thừa hưởng 1 mạng lưới trạm sạc với quy mô khá lớn mà VinFast đã triển khai từ nhiều năm qua dành cho các mẫu ô tô điện trước đó của họ. Rõ ràng nếu xét ở khía cạnh này, VF3 chiếm ưu thế hơn rất nhiều.