Ở nhiều nước trên thế giới, việc "hóa phép" để con số trên công-tơ-mét nhỏ hơn so với thực tế là một hành vi có thể phải ngồi tù nhiều năm.
Gian lận công-tơ-mét, hay can thiệp quãng đường xe đã chạy, tức tua ngược đồng hồ, là hành vi phạm pháp trên thế giới. Mục tiêu của hành động này làm quãng đường hiển thị trên odo ít hơn so với thực tế.
Trên thị trường xe cũ, con số trên đồng hồ công-tơ-mét là yếu tố quan trọng tác động đến giá bán. Cùng một mẫu xe cùng đời, xe chạy ít hơn thường có giá cao hơn. Cũng có nghĩa, con số trên odo càng lớn, giá trị càng giảm, và ngược lại.
Theo Văn phòng điều tra gian lận công-tơ-mét thuộc Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT), đây là một tội hình sự nghiêm trọng. Trong nghiên cứu về tình trạng này của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) năm 2002, khoảng 450.000 xe được xác định bán ra mỗi năm với số công-tơ-mét đã bị thay đổi, gây tổn thất hơn một tỷ USD mỗi năm đối với khách hàng mũ xe ở Mỹ.
Tua ngược đồng hồ công-tơ-mét là hành vi lừa đảo khách hàng mua xe cũ, và bị cấm trên toàn thế giới. Ảnh: Autocar
Còn tại Anh, Văn phòng Thương mại Công bằng ước tính chi phí hàng năm cho những thất thoát liên quan đến hành vi này là 650 triệu USD.
"Chúng ta cần tìm công lý cho những ai đã phải trả 45.000 USD cho một chiếc xe chỉ đáng 10.000 hay 15.000 USD", Jason Shrader, cảnh sát hỗ trợ tư pháp ở North Carolina, Mỹ. Tính trung bình, một khách hàng mất cho người bán khoảng 4.000 USD cho mỗi xe nếu odo bị tua.
Ở Mỹ, tua công-tơ-mét có thể bị phạt dân sự hoặc phạm tội hình sự. Đạo luật Liên bang số 49 (được thông qua năm 1972) yêu cầu người bán phải tiết lộ số km thực tế đã đi khi chuyển giao quyền sở hữu xe. Nếu không biết số km thực tế, người bán cũng cần cho người mua biết rõ.
Đạo luật cũng nghiêm cấm hành vi quảng cáo, rao bán, lắp đặt, hoặc sử dụng thiết bị để vặn lùi công-tơ-mét. Cá nhân vi phạm sẽ đối diện với mức phạt tiền tối đa 250.000 USD hoặc gấp đôi số tiền lãi ròng hoặc lỗ ròng có được từ hành vi tội phạm, tùy mức nào nhiều hơn. Mức phạt tù cho hành vi này cao nhất là 3 năm. Pháp nhân vi phạm bị phạt tiền tối đa 500.000 USD. Giám đốc hoặc nhân viên của công ty nếu cố ý vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình phạt như với cá nhân.
Ngày 12/9/2018, hai cư dân thành phố Jackson, bang Mississippi là Mark Longgrear (53 tuổi) và con trai Zachary Longgrear (29 tuổi) nhận tội tại tòa án, rằng đã can thiệp công-tơ-mét của ôtô và quảng cáo sai lệch liên quan tới công-tơ-mét từ năm 2014 tới tháng 2/2018. Riêng Mark Longgrear còn chịu 6 tội danh về lừa đảo tiền bảo hiểm.
Ngày 19/2/2019, Mark Longgrear nhận án tù 57 tháng trong khi con trai là 28 tháng. Ngoài ra, hai người này cũng bị yêu cầu bồi thường khoản tiền tổng cộng là 1,5 triệu USD.
Ngày 28/6/2021, tại phiên xét xử ở Brooklyn, thẩm phán Kiyo A. Matsumoto tuyên phạt 60 tháng tù cùng khoản tiền phạt 4 triệu USD đối với Shmuel Gali vì hành vi tua ngược đồng hồ công-tơ-mét và tội rửa tiền.
Ở châu Âu, các mức phạt với hành vi này cũng rất nặng. Ví dụ ở Pháp, người vi phạm đối mặt 2 năm tù. Ở Anh, tháng 6 vừa qua, chủ một đại lý xe cũ chịu 2 năm tù treo sau khi tua ngược công-tơ-mét của 46 ôtô trong nhiều năm qua.
Tại Australia, năm 2013, một người đàn ông bị phạt tù 8 tháng và khoản tiền 35.800 USD vì tua công-tơ-mét của 4 xe cũ. Theo đó, người này đã bán 4 xe cũ với tổng số tiền 91.200 USD và thu lời 27.800 USD.