Khi ô tô gặp phải tình trạng quá nhiệt do hết nước làm mát, xử lý không đúng cách có thể gây hại nghiêm trọng cho xe và chính bản thân. Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà bất kỳ chủ xe nào cũng nên biết cách xử lý đúng đắn. Trong bài viết này, Auto365 gửi đến bạn một số hướng dẫn quan trọng để đảm bảo an toàn và bảo vệ động cơ của xe.
Làm gì khi một chiếc ô tô đang bị quá nhiệt? - Ảnh Internet
Một trong những dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất cho thấy chiếc xe đang bị quá nhiệt là kim báo nhiệt độ động cơ trên bảng điều khiển tăng cao đột ngột. Thông thường, kim báo nhiệt độ xe nằm ở giữa thang đo, biểu thị cho động cơ đang hoạt động ở nhiệt độ ổn định. Nếu kim di chuyển lên vùng đỏ, điều đó chứng tỏ động cơ đang bị quá nhiệt.
Kim nhiệt độ di chuyển lên vùng đỏ là dấu hiệu cho thấy động cơ đang bị quá nhiệt - Ảnh: Internet
Khi thấy xe xuất hiện các dấu hiệu trên, tài xế cần nhanh chóng tìm một vị trí an toàn để dừng xe. Điều quan trọng là không cố lái xe thêm một khoảng cách dài, vì điều này có thể gây ra những hỏng hóc nghiêm trọng cho xe. Tốt nhất tìm một nơi thoáng mát gần nhất, tránh ánh nắng trực tiếp nếu có thể và tắt máy ngay lập tức.
Trong trường hợp không thể lập tức dừng lại do xe đang lưu thông trên đoạn đường đông đúc thì cần tiến hành các phương pháp hạ nhiệt tạm thời như hạ kính xe, tắt điều hoà và bật chế độ sưởi và quạt tản nhiệt. Do hệ thống sưởi sử dụng khí nóng của động cơ để sưởi ấm không khí trong xe, nhờ đó có thể làm giảm nhiệt độ của động cơ. Điều quan trọng là tài xế cần bật đèn khẩn cấp và nhanh chóng đỗ xe vào vị trí an toàn.
Khi động cơ quá nhiệt, rất nhiều người có thói quen mở nắp két nước và châm thêm nước làm mát khi thấy két nước có dấu hiệu cạn kiệt. Tuy nhiên, đây là một hành động vô cùng sai lầm. Trong lúc này, nhiệt độ bên trong động cơ có thể lên đến hàng trăm độ C, việc châm thêm nước có thể xảy ra hiện tượng sôi nước tức thì, khiến nước bốc hơi mạnh và phun ra ngoài. Điều này không chỉ khiến cho bạn bị bỏng mà còn gây hại cho động cơ, làm cong vênh các bộ phận kim loại do sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột.
Một người đàn ông đang châm nước khi xe bị quá nhiệt - Ảnh: Internet
Hậu quả khiến nước bên trong két bị sôi, nhả khói quá nhiều - Ảnh: Internet
Hãy để xe nguội ít nhất 20-30 phút trước khi mở nắp két nước. Hãy cẩn thận, sử dụng khăn hoặc găng tay để mở nắp từ từ, cho hơi nước thoát ra trước khi mở hoàn toàn. Chỉ sau khi chắc chắn rằng động cơ đã nguội, bạn mới nên thêm nước làm mát vào két nước. Điều này giúp tránh được nguy cơ bỏng cũng như những hư hỏng không mong muốn cho động cơ.
Trước khi thêm nước làm mát, điều quan trọng là phải kiểm tra xem nguyên nhân gây ra quá nhiệt là gì. Có nhiều lý do khiến động cơ bị nóng quá mức, như hỏng quạt làm mát, rò rỉ nước làm mát, hoặc các vấn đề khác liên quan đến hệ thống làm mát.
Trong trường hợp không xác định được nguyên nhân cụ thể, tốt nhất bạn nên gọi cho gara uy tín để được hỗ trợ.
Chỉ sử dụng nước làm mát chuyên dụng cho xe, vì nước lã hoặc nước khoáng có thể gây đóng cặn, làm giảm hiệu suất làm mát và dẫn đến hỏng hóc hệ thống. Nếu không chắc chắn về loại nước làm mát phù hợp, hãy tham khảo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc mang xe đến gara uy tín.
Sử dụng nước làm mát theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn cho xe - Ảnh Internet
Tuyệt đối không sử dụng nước khoáng hoặc nước lã để thay thế nước làm mát. Những loại nước này có thể chứa khoáng chất và tạp chất gây đóng cặn trong đường ống, làm giảm hiệu suất làm mát và có thể gây hư hỏng hệ thống.
Để tránh tình trạng hết nước làm mát, đặc biệt với những xe đã sử dụng lâu năm, việc bảo dưỡng định kỳ và kiểm tra mực nước làm mát thường xuyên là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ xe mà còn giúp bạn tránh được những chi phí sửa chữa đắt đỏ do các hỏng hóc nghiêm trọng.
Đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ là việc làm cần thiết - Ảnh Internet
-Xem thêm các kinh nghiệm lái xe mới nhất tại đây: